Tục lệ tang ma của nhóm người Môn -Khmer


Tang ma
   Hầu hết các tộc người nhóm Môn – Khmer đều có chung quan niệm: chết già và chết do ốm đau là cái chết lành, người đó được coi là đã làm tròn bổn phận ở trần gian, được tổ tiên gọi về.    Họ đều cho rằng thế giới tổ tiên cũng như thế giới trần gian. Tuy nhiên quan niệm của mỗi dân tộc cũng có sự khác nhau. Người M’nông cũng như các tộc người ở bắc Trường Sơn và Tây Nguyên tin rằng hồn người chết sẽ về với tổ tiên, sau đó lại nhập vào đứa trẻ sơ sinh. Người Giẻ-Triêng lại cho rằng: hồn người chết sau lễ bỏ mả sẽ biến thành chim bay về với tổ tiên trong hang đá.

Tục lệ tang ma của nhóm người Môn -Khmer

   Tuỳ theo cái chết, tuổi tác và địa vị xã hội, tuỳ theo từng dân tộc, nghi lễ tang ma có khác nhau đôi chút. Thông thường khi trong nhà có người mất, người thân báo cho họ hàng và dân làng biết. Người nhà lau rửa mặt và thay quần áo  mới cho người đã khuất. Người chết đội khăn, đeo con dao như dùng lúc sống (đàn ông); đeo cườm, vòng tai, vòng cổ (phụ nữ).
   Người quá cố được đặt nằm trên sàn dưới lót chiếu, đặt cạnh bếp lửa. Người thân thích kê tài sản và chia tài sản cho người chết. Tang chủ giết gà cúng linh hồn người chết, Người Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng lấy huyết của con vật hiến sinh hoà vào rượu, nhúng ngón tay trái vào rồi vẩy tay khắp thi thể, bôi lên ngực và trán người quá cố. Khi đem ra huyệt chôn, chân người chết phải luôn để phía trước, đầu để phía sau, không cho mặt quay về phía làng đề hổn người chết không biết đường về quấy rối gia đình.
   Tuỳ từng vùng, người ta địa táng (các dân tộc nhóm Môn – Khmer ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, phía bắc tỉnh Kon Tum) hay chôn treo (các cư dân bắc Tây Nguyên như Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng) hoặc chôn trong hang đá (cư dân Mạ, Ba Nạ) hoặc hoả thiêu (cư dân Khmer). Trong trường hợp chôn treo, quan tài được gác lên 4 cột gỗ chắc, từng cặp buộc chéo hình X. Quan tài đặt cách mặt đất 50 – 60cm, bên trên làm nhà mồ che mưa nắng. Thiêu người chết chỉ thấy ở cư dân Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa. Sau khi thiêu, tro được cất chung trong những ngôi tháp xây quanh chính điộn chùa. Hàng năm, vào dịp Tết ta, họ cúng ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.
   Nhiều tộc người nhóm Môn – Khmer ở Tây Nguyên như Ba Na, Xơ Đăng, M’nông, Giẻ-Triêng… cứ tục tổ chức lễ bỏ mả cho người chết. Họ quan niệm chưa làm lễ bỏ, người nhà vẫn phải thờ cúng người chết, chỉ sau lễ bỏ mả, linh hồn người chết mới về với tổ tiên. Vì vậy, bỏ mả là lễ hội lớn nhất đồng thời là nghi lễ cuối cùng trong tang ma của các cư dân này.