Đất đai và sinh vật của Hà Nội


     Về đất đai, Hà Nội có bốn loại chính: đất phù sa trong đê, đất phù sa ngoài đê, đất bạc màu và đất đồi núi.
      Đất phù sa ngoài đê là loại đất rất màumỡ ở các bãi bồi ven sông hoặc bãi giữa sông do hằng năm được thường xuyên bồi đắp phù sa.

Đất đai và sinh vật của Hà Nội

     Đất phù sa trong đê là loại đất phù sa màu mỡ do các hệ thống sông bồi đắp nên từ bao đời nay. Đây là loại đất trồng trọt tốt nhất của Hà Nội với đặc tính ít chua đến trung tính, độ pH từ 6 – 7, hàm lượng mùn và chất dinh dưỡng khá phong phú, thành phần cơ giới thích hợp với nhiều loại cây trồng. Nhóm đất phù sa phân bố đều khắp, chiếm hầu hết diện tích của các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên.
     Đất bạc màu phát triển chủ yếu trên đất phù sa có tập trung nhiều ở hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Đây là loại đất chua, nghèo dinh dưỡng, không kết cấu, thành phần cơ giới nhẹ, rời rạc khi khô hạn, kết dính khi gặp nước, cho năng suất cây trồng thấp.
    Đất đồi núi tập trung ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mĩ, Mĩ Đức, thị xã Sơn Tây. Nhóm này được chia thành hai khu vực: khu vực đất núi và khu vực đất gò đồi.Khu vực đất núi tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Vì và Mĩ Đức, phổ biến là đất feralit, tầng đất móng, chủ yếu được trồng rừng phòng hộ hoặc trồng cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu.
     Khu đất đồi gò chủ yếu là đất feralit phát triển trên phù sa cổ và feralit phát triển trên đá trầm tích. Cá hai loại đất feralit này tương đối màu mỡ, tơi xốp thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp và chăn nuôi, ở những vùng đất bị xói mùn nghiêm trọng do mất rừng, tầng đất mỏng, nhiều nơi trơ sói đá, tầng mùn hầu như không còn, đất chua, độ pH thường dưới 4, nghèo chất dinh dưỡng. Đối với khu vực này cần nhanh chóng trồng rừng phú xanh đất trống, đồi trọc, kết hợp trồng cây ăn quả để duy trì môi trường sinh thái.
     Về cơ cấu sử dụng đất (năm 2008) thì đất nông nghiệp (bao gồm đất sản xuất nông, lâm, thủy sản) chiếm 58,7% diện tích tự nhiên toàn thành phố (riêng đất sản xuất nông nghiệp là 49,1%), đất phi nông nghiệp chiếm 35,3% (bao gồm đất ở, đất chuyên dùng và đất phi nông nghiệp khác), đất chưa sử dụng (đất đồi núi, núi đá,…) chiếm 6%.
     Hà Nội có nguồn tài nguyên sinh vật rất phong phú và đa dạng nhưng do canh táctừ lâu đời nên rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 2.000 ha, còn lại là rừng thứ sinh và rừng trồng, tập trung ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mĩ Đức. Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì được thành lập từ năm 1991 có diện tích quản lí 7.377 ha (trong tổng số 14.144 ha) thuộc 7 xã miền núi huyện Ba Vì. Đến nay, đã phát hiện được trong VQG 450 loài thuộc 128 họ thực vật, trong đó có các loài quý hiếm (như bách xanh, thông tre, sến mật,…); các loài đặc hữu (như cà lồ Ba Vì, bời lời Ba Vì) và 259 loài động vật, trong đó có các loài thú và chim quý hiếm (như sóc bay, sơn dương, trĩ, gà lôi trắng, công,…). Ở đây, ngoài các hệ sinh thái rừng nhiệt đới núi thấp tiêu biểu là các loài họ re, dẻ, dâu tằm, mộc lan, đậu,… còn có hệ sinh thái rừng thường xanh mưa ấm á nhiệt đới núi thấp với các loài tiêu biểu như bách xanh, sến, thông tre, dối xanh,…
     Hà Nội vốn là vùng đất trù phú, có truyền thống sản xuất nông nghiệp từ lâu đời đã tạo nên các hệ sinh thái nông nghiệp rất đa dạng, cung cấp nhiều giống cây trồng, vật nuôi quý, có giá trị và nổi tiếng trong cả nước. Ở các huyện đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh rau quả và thực phẩm tươi sống (thịt, cá, sữa, trứng) phục vụ cho yêu cầu ngày càng cao của nhân dân thủ đô.


Đọc thêm tại: