Kỹ thuật kéo tơ dàn sợi của người Khmer

Kỹ thuật kéo tơ dàn sợi
    Kỹ thuật kéo tơ của người Khmer cũng khá giống với kỹ thuật kéo tơ truyền thống của người Kinh. Khi tằm làm kén được 2- 3 ngày là thời điểm đẹp nhất để kéo tơ. Trước hết kén được ngâm vào nước lã khoảng 3 giờ, sau đó vẩy sạch nước, thả khoảng 15 – 20 cái kén vào nồi nước sôi, khi kén chín bắt đầu kéo tơ. Khi kéo tơ, nhất thiết phải luộc kén chín vừa thì sợi mới trơn, chỉ cần kéo nhẹ tay, tơ sẽ tách khỏi kén. Vì vậy, khi kéo tơ, người ta hết sức tránh luộc kén chín quá, khi đó sợi nẫu không kéo được. Cứ kéo được 3 nén tơ, phái thay một nồi nước sôi khác thì sợi tơ mới vàng.

Kỹ thuật kéo tơ dàn sợi của người Khmer

    Khi kéo tơ nếu chỉ có một người làm thì người ta ngồi trên ghế, trước mặt là nồi nước ươm, một tay dùng đũa khuấy đều trong nồi, một tay lấy một đầu tơ ra kéo rồi thả từng lượt trên một dụng cụ đựng. Nếu có 2 người cùng làm thì cuộn tơ luôn.
    Trước khi dệt, sợi tơ được luộc hoặc đồ lên cho trắng, mềm. Luộc hay đồ đều phải căn thời gian chính xác, vì nếu để quá thời gian sợi sẽ bị xù lông.
    Hiện nay, người Khmer ở Trà Vinh và An Giang đều không còn trồng bông để kéo sợi và trồng dâu để ươm tơ, nhưng ở vùng Tri Tôn và Tịnh Biên tỉnh An Giang, cư dân Khmer vẫn còn dệt vải lụa bằng cách mua chỉ sợi và tơ sợi ở huyện Tân Châu thị xã Châu Đốc đem hồ để dệt vải lụa theo mẫu mã truyền thống của họ.
    Các con tơ sau khi hồ, phơi khô xong, phải dùng xa và vây để đánh suốt. Công cụ đánh suốt chỉ tơ tằm tuy khác công cụ đánh suốt sợi bông, nhưng cách đánh suốt thì giống nhau. Người ta đặt xa và vây gần nhau, tay phải quay trục xa đánh suốt, từ xa đánh suốt có dây cua roa nối với vây, đầu con sợi lắp vào vây ở bên tay trái, vì vậy khi xa quay, vây sẽ quay theo để tơ cuốn vào. So với dàn sợi bông, dàn sợi tơ tằm có phần nhẹ nhàng hơn vì tơ trơn, bóng và ít rối, nhưng cách dàn sợi cơ bản giống nhau.
    Người ta lắp các ống chỉ vào khung dàn sợi, đầu chỉ từ các ống sợi sẽ được buộc cố định ở một cột. Người ta ước tính độ dài của tấm vải mà chọn vị trí và khoảng cách các cột dàn sợi. Khi dàn sợi phải đặt cây dàn và chạy tơ sao cho so le nhau, để khi cài lược hay lên go mới thực hiện được. Go là bộ phận của khung dệt, có tác dụng tách giữa nhịp trên và nhịp dưới của dàn sợi, tạo ra khe hở đổ lao thoi qua và dập sợi. Trước khi lên go phải cài lược. Khi lên go phải có 2 người phụ nữ cùng làm, vừa lên go, vừa nối sợi, những sợi đã qua lược nén sợi trên sẽ xỏ vào go trên, những sợi đã qua lược nén sợi dưới sẽ xỏ vào go dưới, tạo ra sự so le giữa nhịp trên và nhịp dưới của tấm vải.