Hoa văn trên trang phục của các tộc người Môn – Khmer chủ yếu là các
băng sợi màu đỏ, vàng, trắng được dàn dọc theo khung cửi đan xen giữa các lớp
sợi màu đen. Khi dệt chỉ có một thoi chỉ màu đen được đưa qua đưa lại để làm
sợi dệt cho toàn bộ tấm vải. Các băng chỉ màu trên khung cửi thường được sắp
xếp thành một nhóm riêng biệt sát nhau: Băng chỉ màu đỏ, màu trắng, màu vàng,
màu đen; kích thước của các băng có bề ngang từ 2 đến 4 cm. Khi tạo các hoa văn
trên các băng chỉ màu này, người thợ dệt dùng một đầu nhọn của chiếc lông nhím
tách sợi để luồn thoi chỉ đen qua, dùng thanh dập sợi dập cho chặt các lớp sợi.
Vì mắc sợi dọc là những sợi màu nền, nên những sợi màu ngang tạo hoa văn cũng
phải theo nguyên tắc một trên một dưới, hay một trên hai dưới…, tuỳ theo đồ án
hoa văn. Chẳng hạn, người Ba Na thường dệt vải, tạo những hoa văn cơ bản gồm
các đường hình học, kỷ hà, đường thẳng song song, đường gấp khúc, hình tam
giác, hình vuông v.v… chạy dọc theo tấm vải. Cũng có nhiều người tài hoa hơn
thì sáng tạo thêm những hình họa phong phú như hình người, chim thú… Vải dệt để
may trang phục lễ hội được chú ý cải hoa văn trang trí sặc sỡ, đẹp, bền hơn đồ
thường dùng. Ở những mép biên vải hay hai đầu tấm vải, người ta còn dùng tay
đan, buộc sợi màu tạo hoa văn một cách chắc chắn, vừa làm đẹp vừa “khóa” mối
sợi để tấm vải tốt hơn bền hơn. Khi tấm vải đã dệt xong, tùy theo kích cỡ rộng
hẹp theo chủ định trước, họ cắt, can, nối với nhau tạo thành áo, váy khố…Các
hoa văn trang trí đương nhiên được “phô diễn” dọc tấm vải, hay từ trên xuống
dọc theo chiều dài khổ (ở đàn ông) hoặc chạy ngang người ở áo, váy phụ nữ.
Đọc thêm tại: