Kỹ thuật dệt và nhuộm màu của người Khmer

Kỹ thuật dệt
    Người Khmer dệt vải lụa trên khung dệt bằng gỗ thô sơ – dạng khung dệt ngồi gần giống với khung dệt của người Thái, ở phía Bắc. Khung dệt được lắp đặt cổ định tại nhà, có hệ thống go chỉ và dây treo khá phức tạp với hai bàn đạp điều khiến hai lá go. Để dệt vải, họ kết hợp các thao tác rất nhịp nhàng, uyển chuyển của đôi tay và đôi chân để bắt go, tạo hoa văn trang trí, luồn chỉ (hay phóng thoi) và dập sợi dệt vải.

Kỹ thuật dệt và nhuộm màu của người Khmer

    Với chiếc khung dệt cổ truyền, phụ nữ người Khmer ở tỉnh An Giang đã sản xuất ra nhiều loại vải lụa dùng làm váy như các loại săm pốt, xà rông, làm khăn krama – một loại khăn xưa kia được dệt bằng bông vải, có hoa văn ô vuông màu đỏ hoặc màu xanh nước biển trên nền trắng và loại khăn đang dùng hiện nay được dệt hoa văn ô vuông nhỏ màu đen trên nền trắng hoặc nến đỏ mà ta quen gọi là khăn rằn. Khăn krama có nhiều chức năng sử dụng như để chòang tấm, quàng cổ, vắt vai, trùm đầu, thắt lưng hoặc làm túi đựng,  làm vòng nằm… nên được cả người Kinh, người Hoa, người Chăm ưa chuộng. Ngoài ra họ còn dệt những tầm vải thùng làm rèm trang trí như tấm rèm che trước bàn thờ Phật ở chánh điện.
    Nhìn chung, vải lụa do người Khrner dệt có nhiều chủng loại, mẫu mã khác nhau và chúng có tên gọi riêng căn cứ vào chức năng sử dụng, kỹ thuật dệt, nhuộm màu và thể hiện hoa văn trang trí (ví dụ như xãm pốt có các tên gọi khác nhau như xăm pot hol có hoa văn trang trí, xăm pốt phanôm được dệt trơn và có nhuộm màu).
Kỹ thuật nhuộm màu
    Trước đây, người Khmer thường dùng các loại màu thực vật từ quả hoặc vỏ hoặc thân cây… để nhuộm vải lụa với các màu đen, đỏ, vàng, xanh… làm màu nền cơ bản cho vải mặc truyền thống. Họ sử dụng quả mặc nưa để nhuộm màu đen, dùng cánh kiến nhuộm màu đỏ, dùng vỏ cây b’huột để nhuộm màu vàng, dùng cây chàm để nhuộm màu xanh… Họ đã sử dụng quả mặc nưa được trồng phổ biến ở Campuchia và một ít ở vùng Bảy Núi đem giã nhỏ, ngâm nước thành màu đen để nhuộm vải lụa, màu nhuộm không phai. Đây cũng là phương pháp của đồng bào Nam Bộ dùng để nhuộm màu đen. Lụa nilon đã nhuộm thuốc nhuộm tổng hợp nhưng chưa có độ đen cao, được ngâm bằng nước chiết từ quả mặc nưa (một số lần), phơi khô, sau đó ngâm vào bùn Sông Mậu thì trên vải sẽ có màu đen đẹp, độ bền cao, lụa vẫn mềm mại và hút ấm tốt.